Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu trở lại Việt Nam

Nhà lãnh đạo kỳ cựu 84 tuổi của Singapore, ông Lý Quang Diệu, hôm nay tới Hà Nội bắt đầu chuyến thăm Việt Nam kéo dài 5 ngày. Đây là lần trở lại thứ năm của ông sau chuyến viếng thăm cách đây gần 10 năm.

d

Ông Lý Quang Diệu. Ảnh: AFP.

Ông Lý Quang Diệu đi thăm Việt Nam lần này cùng bà Kha Ngọc Chi, người vợ đã song hành cùng ông từ năm 1950. Tại Hà Nội, ông sẽ hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và có các cuộc tiếp xúc với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Ông Lý cũng sẽ trở lại thăm tỉnh Bình Dương, nơi vào năm 1995 – ở tuổi 72 – ông từng đến khảo sát địa điểm dự kiến đặt Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, nay đã trở thành một trong những khu công nghiệp hàng đầu không những tại Việt Nam mà còn trong khu vực Đông Nam Á.

“Ngày nay, ở tuổi 83, sau 50 năm hoạt động, ông Lý Quang Diệu có thể tự coi mình là một người và người châu Á duy nhất đóng vai trò nhân chứng, nhà điêu khắc và cố vấn cho tất cả đổi thay mang tính lịch sử mà châu Á đã trải qua trong những thập niên qua: sự xuất hiện và phát triển của chủ nghĩa dân tộc, kết thúc chiến tranh lạnh, tăng trưởng kinh tế và sự xuất hiện của Trung Quốc như một cường quốc mới.

Tất cả điều này làm cho ông Lý Quang Diệu không chỉ là chính khách đàn anh và là tiếng nói của châu Á mà còn là biểu tượng của chủ nghĩa thực dụng và khả năng phục hồi của châu Á”.

(Tạp chí Time số ra ngày 13/11/2006, nói về ông Lý Quang Diệu trong bài tổng kết về các “anh hùng châu Á”)

Trong chuyến thăm đó, ông Lý Quang Diệu đã gợi ý rằng: “TP HCM nên trở thành một đô thị trung tâm dịch vụ, bao gồm sân bay, bến cảng, viễn thông, tài chính thật tốt, chứ không nên tập trung thêm dân, tập trung thêm nhà máy sản xuất. Muốn vậy, ngoài vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng… cần có một cơ sở quan trọng hàng đầu: đào tạo nguồn nhân lực”.

Trong một lần chia sẻ kinh nghiệm về công nghiệp hóa với Việt Nam, ông từng dẫn chứng về tầm quan trọng của việc có một đội ngũ nhân công lành nghề: “Từ những năm 1970, Singapore đã nhập khẩu nguyên dây chuyền lắp ráp ôtô, nhưng sản phẩm hoàn chỉnh không thể nào bằng ôtô lắp ráp tại Nhật Bản. Đơn giản vì người Singapore đang vặn những con ốc bằng trái tim của người Singapore chứ không phải của người công nhân Nhật Bản”. Ý của ông Lý là ngoài khâu kỹ thuật, còn phải chú trọng đào tạo đội ngũ lắp ráp với những con người tự tôn, mẫn cảm và có ý thức.

Các mẩu chuyện trên mạng cho biết, trong một lần trò chuyện cùng một nhà lãnh đạo lão thành của Việt Nam, khi được khen rằng “ông là một người tài”, ông Lý Quang Diệu đã khiêm tốn trả lời: “Tôi chẳng có tài gì, có chăng chỉ là ở chỗ biết sử dụng người tài”. Do biết sử dụng người tài nên đất nước Singapore nhỏ bé nhưng có vị thế không nhỏ trên thế giới.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông Lý Quang Diệu cũng sẽ có cuộc gặp với nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt. Theo nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, ông Lý Quang Diệu không chỉ một lần, nói riêng với nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng Việt Nam mới là “đối thủ” kinh tế mà Singapore rất e ngại.

Ông Lý từng cho rằng, nếu có vị trí số 1 ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi so sánh về địa thế chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực.

Trong quyển hồi ký Câu chuyện Singapore – từ thế giới thứ ba lên thứ giới thứ nhất, ông Lý Quang Diệu cũng khen tặng Việt Nam: “Tài năng của người Việt Nam trong việc sử dụng và cải tiến các khí tài của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh và tài năng của người Việt hiện sống ở Mỹ và Pháp nhắc nhở chúng ta về những phẩm chất tuyệt vời của dân tộc này”.

(Theo Tuổi Trẻ)

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>