45 năm Singapore và nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu
Ngày 9-8, người dân đảo quốc sư tử sẽ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập đất nước, gắn liền với tên tuổi nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu. “Con tàu” Singapore trong tay thuyền trưởng họ Lý đã vượt sóng đại dương như thế nào suốt 45 năm qua?
Ông Lý Quang Diệu nói chuyện nhân Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Singapore tháng 11-2009 – Ảnh: apec.org
Năm 1965, khi Singapore tuyên cáo độc lập, cuộc chiến tranh Việt Nam bước sang giai đoạn quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến. Tất nhiên trong cái nhìn của Mỹ và đồng minh, đây là một cuộc chiến tranh chống cộng sản. Song không chỉ có ở miền Nam Việt Nam mới “tố cộng” và “diệt cộng”. Singapore “chào đời” tháng 8 thì hai tháng sau ở Indonesia, nửa triệu đảng viên Đảng Cộng sản Indonesia (PKI) bị lùng giết sau một cuộc đảo chính bất thành. Điều khiến các tướng lĩnh Indonesia sợ nhất chính là gốc gác Trung Quốc của những người cộng sản Indonesia cùng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Trong bối cảnh phân cực đó, Singapore đã chọn ở cực bên kia.
Trên bình diện khu vực, một “NATO của Đông Nam Á”, tức SEATO, đã được thành lập từ tháng 9-1954 và ra mắt tháng 2 năm sau. Thật ra, SEATO chỉ hữu danh vô thực do lẽ bề ngoài thì chung cương lĩnh chống cộng, song chỉ chực nuốt nhau, nhất là sau khi Singapore tách ra khỏi Malaysia. Singapore vào những năm đầu độc lập không chỉ gặp rắc rối với Malaysia, mà còn với cả Indonesia. Ông Diệu kể rằng tháng 10-1968, sau vụ xử tử hai lính biệt kích Indonesia vì vụ đánh bom Ngân hàng HSBC ở Singapore năm 1964, “Indonesia loan báo tập trận trong khu vực đảo Riau, sát với Singapore. Tư lệnh hải quân Indonesia tuyên bố sẽ thân chinh dẫn đầu một lực lượng đặc nhiệm sang đánh chiếm Singapore” (1).
Tự lực tự cường
Thành ra nhu cầu sinh tử của Singapore lúc đó (và cả bây giờ) là có được một quân đội đủ mạnh để bảo vệ nền độc lập non trẻ. Thoạt đầu, đúng bài bản “không liên kết”, ông Lý Quang Diệu đã gõ cửa Ấn Độ và Ai Cập, các nước lớn trong phong trào này, để xin giúp xây dựng khẩn cấp quân đội Singapore song Thủ tướng Shastri (Ấn Độ) và Tổng thống Nasser (Ai Cập) đã nhanh chóng thoái thác (2).
Đến đây, ông Lý Quang Diệu không còn chọn lựa nào khác. Ông thuật lại trong hồi ký: “Băn khoăn trên hết là người Anh sẽ và có thể duy trì căn cứ của họ ở Singapore trong bao lâu. Tôi đành phải chấp nhận sức mạnh của người Mỹ, nước duy nhất bảo đảm an ninh và ổn định ở Đông Nam Á. Tôi nhận thức những phương hại về chính trị, nếu như Mỹ đảm nhận thay vai trò của người Anh…” (3).
Song song đó, ông Diệu quyết định “thành lập một quân đội thường trực nhỏ song huy động toàn dân, huấn luyện đưa vào lực lượng dự bị”… và dốc sức dốc của trang bị vũ khí cho quân đội. Lễ quốc khánh đầu tiên của Singapore năm 1966 mới chỉ là dân sự diễu hành. Ba năm sau đã có một trung đoàn xe tăng AMX-13 mua của Pháp dẫn đầu cuộc diễu binh. Và đến năm 2010, Singapore đã tự sản xuất một phần số vũ khí của mình, từ súng tiểu liên, súng cối tự hành đến xe bọc sắt, tàu tuần tiễu, rađa…
Ngay khi vừa dựng nước, ông Diệu đã nhìn và thấy thực tế như sau: “Người Mỹ khác người Anh, như tôi có thể thấy qua cách người Mỹ đối xử với các nhà lãnh đạo Nam Việt Nam và ngay cả với các nhà lãnh đạo Thái Lan và Philippines. Là cường quốc số một, lực thì lớn song lại hay thay đổi… (trong khi) người Anh duy trì quyền lực của họ với đôi chút lịch sự” (4).
Cách “người Mỹ đối xử các nhà lãnh đạo Nam Việt Nam, Thái Lan, Philippines…” mà ông Diệu nhắc đến và ngầm so sánh rằng người Anh “lịch sự” hơn, chính là hàng loạt cuộc đảo chính ở Sài Gòn trong những năm ấy và sau này ở Thái Lan cùng Philippines.
Là chính khách dân sự duy nhất ở Đông Nam Á lên cầm quyền từ một phong trào độc lập chứ không nhờ đảo chính, hơn ai hết ông Diệu hiểu “chơi với Mỹ” là gì và phải như thế nào. Gần 30 năm sau, chuyên san ngoại giao Foreign Affairs của Mỹ hỏi tại sao ông không xem Mỹ như là một khuôn mẫu cho các nước, ông Diệu trả lời: “Nước Mỹ có cả những mặt tốt và mặt xấu. Điều tôi ngưỡng mộ nơi nước Mỹ là tính cởi mở trong tranh luận xem điều gì tốt hay xấu cho xã hội, trách nhiệm giải trình của các viên chức nhà nước, chẳng có gì là bí mật hay kinh hoàng cả. Tôi thích ở Mỹ chẳng hạn như các quan hệ tự do, dễ dàng và cởi mở giữa người với người, bất kể vị trí xã hội, chủng tộc hay tôn giáo. Song nếu nhìn trong toàn thể như một hệ thống, tôi thấy có những điều hoàn toàn không thể chấp nhận được như ma túy, súng ống, tội ác bạo lực…” (5).
Ông nhắn nhủ người Mỹ qua Foreign Affairs: “Xã hội phải thật ngăn nắp để mỗi người có thể tận hưởng quyền tự do của mình. Tự do ấy chỉ có trong một xã hội thật trật tự, chứ không thể trong một tình hình cứ tranh chấp hoặc vô chính phủ mãi”.
Ai hiểu Trung Quốc hơn…?
Ngày 22-10-2009, “chuyên gia” phỏng vấn các nhân vật rất quan trọng là Charlie Rose mời ông Lý Quang Diệu lên truyền hình. Câu chuyện có lúc xoay quanh quan hệ với Trung Quốc cùng ông Đặng Tiểu Bình. Charlie Rose hỏi: “Ông Đặng ngưỡng mộ các ông lắm nên mới gửi ba, bốn vạn người sang Singapore tìm hiểu xem các ông đã làm những gì. Vậy các ông đã làm những gì khiến ông ấy muốn xem?”.
Ông Lý Quang Diệu trả lời: “Năm 1978, ông Đặng lần đầu tiên đến và trông thấy một Singapore khác với những gì ông ấy đã được báo cáo trước đó. Ông ấy đã trông thấy một xã hội sung túc, trật tự, ai cũng có việc làm và nhà ở. Ông ấy hỏi tôi: “Các ông làm gì để đạt như vậy?”. Tôi trả lời: “Thì chúng tôi giáo dục dân chúng tôi. Các công ty Mỹ, Nhật, Âu đem đến kỹ thuật, dân chúng tôi học họ…”. Sau đó, ông ấy bảo: Vậy là các ông dùng chủ nghĩa tư bản để xây dựng một xã hội công bằng hơn, ai cũng có nhà ở. Tôi cũng sẽ làm như vậy”. Hơn ai hết, ông Diệu hiểu kết quả của cuộc trao đổi với ông Đặng.
Năm ngày sau cuộc phỏng vấn với Charlie Rose (27-10-2009), trước mặt Henry Kissinger, người đã góp phần vào “cú bắt tay” Mỹ – Trung Quốc năm 1972, ông Diệu đã nhắn với chính giới Mỹ vào lúc ông Barack Obama sang Bắc Kinh: “Một hạm đội đại dương với hàng không mẫu hạm không chỉ để ngăn ngừa ngoại bang can thiệp một cuộc xung đột giữa Đài Loan và Trung Hoa lục địa…, Trung Quốc chưa sẵn sàng hoặc chưa sẵn lòng nhận trách nhiệm bình đẳng trong việc xử lý hệ thống quốc tế”.
Con đường Singapore
Tháng 4-2009, trong khóa giảng mang tên S. Rajaratnam do Học viện Ngoại giao Singapore tổ chức, Bộ trưởng cố vấn Lý Quang Diệu nhắc lại chính sách đối ngoại của đất nước mà ông đã dựng lên như sau: “Một nước nhỏ phải tìm cách thêm bạn càng nhiều càng tốt, song vẫn giữ được tự do của mình như là một quốc gia có chủ quyền và độc lập. Hữu nghị, trong quan hệ quốc tế, không thể lệ thuộc nơi thiện chí hay hỉ nộ ái ố của thiên hạ. Chúng ta phải luôn giữ cho “ta là ta”. Chúng ta phải đầy đủ trách nhiệm với đất nước chúng ta, sao cho các nước khác nhìn nhận rằng việc đất nước chúng ta, tiếp tục tồn tại và thịnh vượng như là một quốc gia có chủ quyền và độc lập còn là lợi ích của họ” (6).
Trên hải lộ đó do thuyền trưởng họ Lý vạch ra, 45 năm qua “chiếc ghe” Singapore đã trở thành một “con tàu” lớn bất chấp sóng gió.
Cùng Danh Mục :
Chuyện tình nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu: Mấy núi cũng trèo
Cựu thủ tướng Singapore - Ông Lý Quang Diệu nhập viện
Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu qua những phát ngôn để đời
Leave a Reply