Chuyện tình nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu: Chỉ có cái chết mới chia lìa lứa đôi
Trang nhất tờ Straits Times số hôm qua không có tin nào khác ngoài bài Vĩnh biệt bà Lý, phu nhân ông Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Singapore.
12-5-2008 là một ngày tôi nhớ mãi. Hôm đó, cha con ông Lý Quang Diệu và đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long ra tòa án đối chất với Chủ tịch đảng Dân chủ Singapore đối lập Chee Soon Juan, trong vụ kiện xúc phạm danh dự mà cha con ông Lý là nguyên đơn.
Đây là một sự kiện cột mốc trong lịch sử Singapore. Cánh phóng viên nước ngoài như tôi có mặt tại phiên tòa từ sáng sớm. Nhưng đến 6 giờ chiều cha con ông Lý vẫn không đến.
Về sau mới có tin, hôm đó vợ ông Lý, bà Kha Ngọc Chi, bị một loạt những cơn đột quỵ gây xuất huyết não. Kể từ đó, bà nằm liệt giường, không nói được, dù vẫn còn tri giác. Có lẽ sự biến đó đã khiến cha con ông Lý không đến tòa theo kế hoạch.
Ông bà Lý Quang Diệu và Kha Ngọc Chi mừng sinh nhật thứ 80 của ông Lý vào năm 2003 – Ảnh: Straits Times
Tuổi già nước mắt như sương
Hôm 29-9, ngay trước kỷ niệm 60 năm ngày cưới chính thức, ông Lý Quang Diệu phải nhập viện vì viêm phổi. Và 5 giờ 40 phút chiều 2-10, bà Kha Ngọc Chi trút hơi thở cuối cùng tại nhà bên cạnh con gái Vỹ Linh.
Lúc đó, ông Lý vẫn nằm trong bệnh viện, con trai út Hiển Dương đến thăm mẹ buổi sáng và đã ra về; con trai cả, Thủ tướng Lý Hiển Long, thì vừa đến thành phố Antwerp, để dự Hội nghị Á-Âu (ASEM8). Thủ tướng Lý đã bay về nước ngay trong đêm.
|
Con gái ông Lý, bác sĩ Lý Vỹ Linh trong bài xã luận My dear Mama (Người mẹ yêu quý của tôi) đăng trên báo Straits Times hôm 29-8 vừa qua có đoạn: “Nhưng tôi không thể làm được gì để giúp mẹ trở lại như trước khi bà bị cơn đột quỵ khủng khiếp quật ngã vào ngày 12-5-2008. Từ đó đến nay, bà vật vã liệt giường… Người đau khổ nhất và lặng lẽ chịu đựng mỗi ngày chính là ba tôi”.
Hồi năm 2009, bà Lý Vỹ Linh cũng viết một bài khác kể rằng, khi mẹ bà lâm cảnh “chân mỏi tay run”, mỗi bữa cơm ông Lý ngồi bên cạnh, nhặt từng hạt cơm bà đánh rơi, bỏ vào chén mình, ăn ngon lành.
Trong cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 9 năm nay với nhà báo Seth Mydans của tờ New York Times, ông Lý lần đầu tiên kể về tình trạng của vợ mình: “Bà ấy nằm tại nhà và được các y tá chăm sóc. Trước đây, chúng tôi ở chung phòng, nay thì tôi chuyển sang phòng kế bên. Tôi đã quen với âm thanh khò khè và tiếng rên mỗi khi cổ họng bà ấy bị khô và người ta phải bơm chất Biothene vào để hút đàm ra. Thật là đau đớn”, ông Lý buồn bã.
Chọn cho bà một sự ra đi nhẹ nhàng hay cứ tồn tại trong đớn đau là điều luôn dằn vặt ông: “Tôi có thể đuổi hết các y tá. Khi đó những người giúp việc không biết cách làm cho bà ấy thở được… và kết thúc mọi đau đớn”. Nhưng, “một bác sĩ nói với tôi: Có thể ông nghĩ mình sẽ thấy nhẹ nhàng hơn khi bà ấy ra đi, nhưng rồi ông sẽ buồn và cảm thấy trống vắng. Vì ít ra, bà vẫn là một con người ở đây, một người mà hằng ngày ông có thể trò chuyện cùng và hiểu được những gì ông nói”.
Ông Lý đồng tình với lời khuyên đó: “Đã 2 năm, rồi tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tổng cộng là 2 năm 4 tháng. Điều đó đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi”.
Và ông nói chỉ có thể làm những gì tốt nhất cho bà cảm thấy dễ chịu mà thôi, như là tìm những y tá giỏi, biết cách đỡ bà ngồi và xoa bóp cho bà; trang bị giường bệnh viện có túi hơi, để lưng bà không bị lở loét.
Vẫn đẹp như ngày đầu
Nhưng ông Lý không để nỗi đau quật ngã mình: “Tôi phải làm gì? Tôi không thể ngã quỵ. Cuộc sống phải tiếp diễn. Tôi cố làm cho mình bận rộn suốt ngày”.
Dù ở tuổi 87, ông Lý vẫn giữ chức Bộ trưởng Cố vấn trong nội các với lịch làm việc dày đặc các chuyến công du, đón tiếp chính khách, học giả nước ngoài, nói chuyện trước công chúng Singapore và thế giới.
Và hằng đêm, ông đến bên giường nói chuyện với người vợ yêu thương: “Tôi kể cho bà ấy nghe công việc tôi làm trong ngày và đọc những bài thơ mà bà ấy yêu thích. Bà ấy hiểu và cố thức để nghe tôi”.
Kiêu hãnh và Định kiến, Lý trí và Tình cảm của Jane Austen, truyện thơ The Canterbury Tales của Geoffrey Chaucer, Kim của Rudyard Kipling, thơ Shakespeare… là những tác phẩm ông chọn đọc cho bà nghe. Thời trẻ, bà Chi học chuyên văn và đặc biệt yêu thích văn chương Anh.
“Thi thoảng trong những khoảnh khắc lặng yên, ký ức những ngày bên nhau đẹp đẽ lại trở về”, ông Lý tâm sự với Seth Mydans.
“Con gái tôi vừa tìm được hàng chục bức ảnh cũ và ảnh kỹ thuật số lưu trữ tại Tập đoàn báo chí Singapore Press Holdings. Khi tôi nhìn lại chúng, tôi nghĩ mình may mắn làm sao. Tôi đã có 61 năm hạnh phúc bên bà ấy. Chúng tôi rồi sẽ phải ra đi. Tôi không chắc ai sẽ ra đi trước, bà ấy hay là tôi. Vì vậy tôi nói với bà ấy, rằng tôi đang nhẩm lại lời nguyền lứa đôi của tín đồ Cơ đốc giáo. Tôi nhớ nó thế này: Hãy yêu, gìn giữ và vun đắp, trong đau ốm hay khỏe vui, lúc thuận lợi, khi khó khăn, chỉ có cái chết mới chia lìa chúng ta”.
Theo Thục Minh (Thanh Niên)
Cùng Danh Mục :
Thủ Tướng Lý Quang Diệu – Nhà lãnh đạo không khoan nhượng
Sách Tầm vóc Lý Quang Diệu
Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu nhập viện
Leave a Reply